Lượt xem: 889

Chrôi Rum Chếk Vĩnh Châu - một lễ cúng mang đậm nét văn hóa dân tộc

Chrôi Rum Chếk, hay người dân còn gọi là lễ cúng Phước Biển ở vùng xứ biển Vĩnh Châu được xem là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc Khmer, góp phần tạo nên sự đa dạng hóa trong nền văn hóa Việt Nam.

    Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đúng vào ngày 14-02 âm lịch và pinh-bôr khe-phol-kun (theo đại lịch Khmer), tại khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) lại diễn ra lễ Chrôi Rum Chếk. Lễ này do Ban Quản trị chùa Serey Kro Săng tổ chức, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Qua đó, cũng là dịp tái hiện ý thức tình cảm của con người hướng về cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, bày tỏ sự biết ơn của biển cả đã cho người dân cuộc sống được ấm no và sung túc hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh nhà nói chung.

Bà con gần xa đến cúng dường Tam bảo. Ảnh Thạch Pích

    Theo Ban tổ chức, lễ năm nay diễn ra trong 2 ngày (07 và 08-3 dương lịch), trong lúc cả nước đang đối phó với dịch Covid-19, cho nên các hoạt động phần hội đã đình lại toàn bộ, chỉ tổ chức ở phần lễ theo nghi thức của Phật giáo Nam tông Khmer. Dù vậy, tại Trung tâm hành lễ, mọi công tác phục vụ cho nghi lễ cũng được Ban Quản trị chùa Kro Serey Kro Săng chuẩn bị khá chu đáo. So với mỗi năm, lượng du khách, bà con phật tử gần xa đến tham quan và cúng bái giảm rất nhiều, điều đó chứng tỏ ý thức của người dân trong phòng, chống về dịch Covid-19 rất cao.

    Chị Sơn Thị Lài ngụ xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) đến dự lễ cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày này là gia đình tôi sắp xếp thời gian đến đây để cúng dường Tam bảo, cầu an, cầu lộc cho gia đình mạnh khỏe, nuôi - trồng hiệu quả, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các thành viên trong nhà trước khi ra đường đều trang bị cho mình chiếc khẩu trang y tế để phòng dịch bệnh”.

    Theo tài liệu còn lưu lại, Chrôi Rum Chếk là một trong những lễ hội dân gian lớn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Lễ này được hình thành cách đây hơn 300 năm và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào hệ thống lễ hội của Việt Nam. Nơi đây là địa điểm thứ 2 (địa điểm trước tổ chức bên trong đê ngăn mặn) nhằm tổ chức tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, tạo lập vùng đất, tạ ơn trời đất thánh thần cho họ có được cuộc sống ấm no và an bình. Đại đức Thạch Chanh Đa Ra - Phó Trụ trì chùa Serey Kro Săng kể lại: “Ban đầu, lễ Chrôi Rum Chếk chỉ diễn ra mang tính tự phát ở quy mô nhỏ mà người có công đầu trong việc định hình thành lễ hội là một nhà sư Khmer tên là Ta Hu (cụ Hu). Khi đó, ông dựng một ngôi tháp trên giồng cát (ngôi tháp ấy vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay) thuộc địa điểm tổ chức lễ để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái. Kế ngôi tháp ấy có một cây bồ đề to, có nhiều cành lá xum xuê. Ông chọn ngày 14-02 âm lịch (pinh-bôr khe-phol-kun) hàng năm để lập đàn làm phước cầu an tại nơi đây. Vì đó là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp cá tôm. Chính từ đó, lễ Chrôi Rum Chếk đã được hình thành và trở thành một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, không chỉ của người Khmer mà còn có cả người Kinh và người Hoa ở xứ biển Vĩnh Châu cùng nhau đến tham dự”.

Người dân đến thắp hương cầu nguyện. Ảnh Thạch Pích

    Qua ghi nhận, dù không sôi động như mỗi năm, nhưng các hoạt động của phần lễ vẫn diễn ra trong không khí thật trang nghiêm, với các nghi thức mang đậm nét tôn giáo, như lễ: Tam bảo, cầu siêu, cầu an, cầu nguyện quốc thái dân an và thuyết pháp do các vị chư tăng và đông đảo bà con phật tử. Đây là nét sinh hoạt văn hóa được duy trì trong cộng đồng, không chỉ là dịp để người dân trong xóm, ấp bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em đã cùng nhau khai phá, đấu tranh và xây dựng quê hương ở xứ biển Vĩnh Châu từ bao đời nay.
Thạch Pích


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 9086
  • Trong tuần: 76,406
  • Tất cả: 11,860,595